top of page

Lê Bích: một cái đùa duyên dáng mà phản tỉnh

  • Nhã Nam
  • Apr 16, 2016
  • 4 min read

Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu trò chuyện nhân dịp ra mắt cuốn sách thứ hai của nhóm tác giả Lê Bích, Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt, Nhã Nam|NXB Hội Nhà văn phát hành.

Là một giảng viên tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ và một người hiểu biết về sách, anh nghĩ thế nào về sự nổi tiếng của Lê Bích?

Có lẽ cuốn sách mà học sinh của tôi, từ cấp 3 đến đại học, đọc nhiều nhất trong năm qua chính là Đời về cơ bản là buồn cười. Lê Bích nổi tiếng trong giới trẻ, thậm chí hơn cả truyện ngôn tình. Liệu Lê Bích có thể dẹp được trào lưu ngôn tình và thay thế bằng trào lưu cười vào tình yêu hay không? Nếu được như vậy thì quả là tốt.

Đời về cơ bản là buồn cười, Lê Bích

Sách "Đời về cơ bản là buồn cười", Lê Bích.

Điều gì làm anh ấn tượng về hai cuốn sách của Lê Bích? Có phải bên cạnh ý nghĩa giải trí, đằng sau nó còn một khía cạnh nào nghiêm túc nữa hay không?

Đời về cơ bản là buồn cười đã thực sự làm tôi bất ngờ. Nó làm tôi nhận ra rằng chính lớp người tuổi 19, 20 lại có thể tạo ra rất nhiều lớp ngôn ngữ sống động. Tuổi trẻ ở bất kỳ thời đại nào cũng có mã ngôn ngữ riêng, và Lê Bích, ở khía cạnh nào đó là một cuốn từ điển ngôn ngữ, chứa đựng những suy tư về ngôn ngữ của tuổi trẻ hiện tại. Ngôn ngữ ấy ẩn chứa những câu chuyện, như chuyện Facebook, tán gái, thất tình, bạn bè, và Lê Bích chọn cách nói đùa để kể lại cho chúng ta nghe.

Ở đây các bạn sẽ lại băn khoăn vì chúng ta thường đối lập đùa với nghiêm túc. Tôi lại cho rằng nói đùa là một nghệ thuật rất khó, bởi nó dễ trở thành nhảm, thành một công cụ để thỏa mãn bản năng. Muốn đùa hay trước hết phải có trí tuệ, tiếp theo là biết đùa trong giới hạn để làm cho người khác nhận thức nhưng không bị tổn thương. Lê Bích thỏa mãn được cả hai yêu cầu ấy, là cái đùa duyên dáng, lại có gì đó rất nghiêm túc, phản tỉnh.

Nếu như các bạn còn nhớ câu cuối cùng của cuốn Đời về cơ bản là buồn cười: “Thời đại gì khi mà điện thoại bị mất bị vỡ, chúng ta lo lắng dằn vặt còn những thứ khác bé nhỏ vớ vẩn hơn bị mất bị vỡ, chúng ta quá lười để cúi xuống nhặt lên, ví dụ một cục tẩy, một cái bút và nhiều lúc là một quan hệ… Hay thậm chí một ước mơ.” Tận cùng câu đùa là một suy tư rất nghiêm túc. Hay như câu đầu tiên của cuốn sách: “Căn bản mà nói nếu không cẩn thận mọi thứ đều có thể gây ra hạnh phúc.”, nghe có vẻ rất ngược đời, khiêu khích, nhưng đọc kỹ ta lại thấy quả đúng. Ở trong thời đại mà chúng ta hay kêu than, bức xúc, tỏ ra nghiêm trọng trước mọi thứ thì dường như hạnh phúc bị mất giá rồi.

Sách "Dịch từ TIẾNG YÊU sang TIẾNG VIỆT", Lê Bích.

Từ Đời về cơ bản là buồn cười sang Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt, anh thấy Lê Bích đã thay đổi như thế nào? Và theo anh Lê Bích cần làm gì để tiếp tục “trưởng thành”?

Trong khoảng một năm trở lại đây, nhạc bolero não tình được các bạn trẻ nghe rất nhiều, chiếm giờ vàng trên sóng các kênh giải trí truyền hình. Cách tiếp cận của Lê Bích đối với tình yêu trong cuốn sách thứ hai ở mức độ nào đó đã chơi đùa với chất sến, chất cảm thương dễ dìm con người trong cảm giác căng thẳng không lối thoát. Đọc Lê Bích các bạn cười, tức là cuốn sách đã làm cho ta điềm tĩnh hơn để đối diện với cuộc đời. Nó đem lại cảm giác khôi hài nhẹ nhõm, đó là một tinh thần đáng quý.

Về ngôn ngữ, cuốn sách có tựa đề là Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt. Bản thân từ dịch đã mang nghĩa thất thoát, biến dạng, xô lệch. Tình yêu là thứ ngôn ngữ phức tạp nhất và quá trình “dịch” sẽ luôn luôn có những sai lệch, đôi khi còn tạo ra thảm họa dịch thuật, như các anh chàng đi tán gái chẳng hạn. Lê Bích đã mô tả lại quá trình “dịch” đó bằng hình vẽ, làm ta thấy bất ngờ bởi hóa ra đằng sau tình yêu còn quá nhiều thứ ta chưa biết.

Với cuốn sách thứ hai, nhóm tác giả đã biến Lê Bích trở thành một biểu trưng (icon). Cái khó ở trong truyện tranh là phải có được những biểu trưng như vậy, như Tintin ở Pháp hay Doraemon ở Nhật. Còn ở Việt Nam, chúng ta có gì? Chúng ta có Lê Bích để nói về tình yêu.

Nhóm tác giả dự định sẽ để nhân vật mãi mãi tuổi 21. Song như thế không dễ, bởi nhân vật mãi mãi trẻ có nghĩa là phải luôn luôn cắm vào đời sống, song hành cùng ngôn ngữ hiện đại. Trong khi đó con người sẽ già đi, như tôi - một ông thầy - đã không còn hiểu vì sao học trò của mình lại vui, lại buồn trước những thứ chẳng làm cho mình vui mình buồn. Tác giả sẽ phải dạy cho “đứa con tinh thần” của mình sống tự do, song vẫn luôn phải lắng nghe tất cả mọi vận động của nó, và phản tỉnh.

Comments


Featured Posts
Check back soon
Once posts are published, you’ll see them here.
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
© 2016 by Nguyen Thi My Hanh.
The Minnie Bookshop - 505 Xala Hà Đông, Hà Nội.
bottom of page